Đánh giá sự biến đổi chức năng thất phải trên siêu âm đánh dấu mô cơ tim sau bít thông liên nhĩ bằng dụng cụ qua da
Tóm tắt
Đặt vấn đề: Thông liên nhĩ kiểu lỗ thứ hai chiếm khoảng từ 60-70% các trường hợp thông liên nhĩ, đây cũng chính là nhóm thông liên nhĩ có thể can thiệp bít lỗ thông bằng dụng cụ qua da. Nhiều trường hợp sau bít vẫn có rối loạn chức năng thất phải nên cần phải đánh giá chức năng thất phải cả trước và sau đóng thông liên nhĩ. Rất khó đánh giá chính xác chức năng thất phải do hình dạng đặc biệt của thất phải và sinh lý hoạt động các sợi cơ thất phải có nhiều phức tạp. Có rất nhiều phương pháp đánh giá chức năng thất phải, gần đây siêu âm tim đánh dấu mô là phương pháp giúp phát hiện các rối loạn chức năng thất phải với độ nhạy và độ đặc hiệu cao. Trong nghiên cứu này, chúng tôi đánh giá sự biến đổi chức năng thất phải trên siêu âm đánh dấu mô cơ tim ở thời điểm trước can thiệp và sau 3 tháng can thiệp bít thông liên nhĩ bằng dụng cụ qua da.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Đối tượng nghiên cứu là 18 bệnh nhân thông liên nhĩ kiểu lỗ thứ hai được can thiệp bít thông liên nhĩ trong khoảng thời gian từ 12/2015 đến 7/2016 tại Viện Tim mạch Việt Nam. Các bệnh nhân này được làm siêu âm tim đánh dấu mô đánh giá sức căng bề mặt thất phải ở thời điểm trước và 3 tháng sau can thiệp.
Kết quả: Các thông số sức căng bề mặt của thất phải trên siêu âm tim đánh dấu mô trước can thiệp bít thông liên nhĩ ở ngưỡng trên của người bình thường, với các chỉ số RVGLS4C, RVFWLS4C, RVGLS2C lần lượt là -28.16 ± 2.22%, -29.97 ± 4.41%, -30.0 ± 3.6%. Sức căng bề mặt của thành thất phải sau khi bít thông liên nhĩ 3 tháng tăng có ý nghĩa thống kê so với trước can thiệp: -28.16 ± 2.22% → -23.67 ± 4.54% (RVGLS4C), -29.97 ± 4.41% →-24.97 ± 5.19% (RVFWLS4C), 30.0 ± 3.6%→ -24.68 ± 3.77 (RVGLS2C).
Kết luận: Bệnh nhân thông liên nhĩ có hiện tượng tăng vận động các thành thất phải với giá trị sức căng bề mặt theo trục dọc trên siêu âm đánh dấu mô cơ tim trước bít ở giới hạn trên của người bình thường. Sau khi bít thông liên nhĩ 3 tháng, chỉ số sức căng bề mặt thất phải theo trục dọc có xu hướng trở về bình thường.
Tài liệu tham khảo
Kaplan, S., Congenital heart disease in adolescents and adults. Natural and postoperative history across age groups. Cardiol Clin, 1993. 11(4): p. 543-56.
ACC/AHA 2008 Guidelines for the Management of Adults With Congenital Heart Disease. 2008.
Trương Quang Bình và cs, Biến chứng sớm của phương pháp đóng thông liên nhĩ lỗ thứ phát bằng dụng cụ qua thông tim can thiệp. Tạp chí Tim mạch học Việt Nam, 2015. 70: p. 69-74.
Lang, R.M., et al., Recommendations for cardiac chamber quantification by echocardiography in adults: an update from the American Society of Echocardiography and the European Association of Cardiovascular Imaging. J Am Soc Echocardiogr, 2015. 28(1): p. 1-39.e14.
Jategaonkar, S.R., et al., Two-dimensional strain and strain rate imaging of the right ventricle in adult patients before and after percutaneous closure of atrial septal defects. European Heart Journal - Cardiovascular Imaging, 2009. 10(4): p. 499-502.
Vitarelli, A., et al., Three‐Dimensional Echocardiography and 2D‐3D Speckle‐Tracking Imaging in Chronic Pulmonary Hypertension: Diagnostic Accuracy in Detecting Hemodynamic Signs of Right Ventricular (RV) Failure. Journal of the American Heart Association, 2015. 4(3).