ABSTRACT: Đánh giá sống còn ở bệnh nhân suy tim mạn tính giai đoạn cuối và một số yếu tố liên quan tại Viện Tim mạch Việt Nam
Tóm tắt
Đặt vấn đề: “Suy tim độ cao”, “suy tim giai đoạn cuối”, “suy tim kháng trị” là những thuật ngữ được sử dụng để mô tả nhóm bệnh nhân suy tim mạn tính tồn tại triệu chứng dai dẳng dù đã được điều trị nội khoa tối ưu.
Mục tiêu: Xác định tỷ lệ tử vong và một số yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân suy tim mạn tính giai đoạn cuối.
Phương pháp nghiên cứu: Tất cả các bệnh nhân suy tim EF < 30% nhập Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam từ tháng 10/2016 đến 02/2017 được đưa vào nghiên cứu. Sau hai tháng tối ưu hóa điều trị, các bệnh nhân có NYHA III – IV, EF < 30% được phân loại là nhóm suy tim giai đoạn cuối và theo dõi định kì mỗi hai tháng. Tiêu chí nghiên cứu chính là tử vong do mọi nguyên nhân.
Kết quả: 221 bệnh nhân suy tim EF < 30% được đưa vào nghiên cứu. Sau 2 tháng tối ưu hóa điều trị, 104 bệnh nhân được chẩn đoán suy tim giai đoạn cuối. Thời gian theo dõi trung bình 8,3 ± 1,3 tháng. Tại thời điểm 6 tháng, tỷ lệ tử vong của nhóm bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối là 24,0% ( 95%CI = 16,2 – 33,4%). Các yếu tố làm tăng nguy cơ tử vong là bệnh thận mạn tính (HR = 4,26; 95%CI = 1,47 – 12,39), block nhánh trái (HR = 4,10; 95%CI = 1,05 – 16,00), phải sử dụng noradrenalin trong quá trình nằm viện (HR = 10,37; 95%CI = 1,81 –59,43). Các yếu tố làm giảm nguy cơ tử vong gồm: điều trị bằng các thuốc chỉ định loại IA (ức chế men chuyển/ức chế thụ thể, chẹn beta giao cảm, kháng aldosterone) (HR = 0,04; 95%CI = 0,01 – 0,31), NT – proBNP ra viện giảm ≥ 50% so với khi nhập viện (HR = 0,36; 95%CI = 0,14 – 0,92).
Kết luận: Các bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối, dù đã được điều trị nội khoa tối ưu có nguy cơ tử vong cao. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nguy cơ tử vong, bệnh thận mạn tính, block nhánh trái, phải sử dụng noradrenalin làm tăng nguy cơ tử vong. Điều trị bằng các thuốc chỉ định loại IA, giảm NT –proBNP khi ra viện ≥ 50% so với khi nhập viện làm giảm nguy cơ tử vong.