Giá trị của Xquang cắt lớp vi tính 320 trong chẩn đoán bệnh hẹp động mạch vành
Tóm tắt
Tổng quan: Bệnh động mạch vành do xơ vữa là bệnh lý tim mạch thường gặp và có tỷ lệ tử vong cao do các biến chứng như nhồi máu cơ tim, suy tim. Xquang cắt lớp vi tính (CLVT) là một phương pháp không xâm lấn, giúp chẩn đoán tình trạng hẹp động mạch vành (ĐMV), từ đó bệnh nhân được điều trị kịp thời, kiểm soát tích cực các yếu tố nguy cơ và ổn định mảng xơ vữa, giúp giảm tỷ lệ tử vong và cải thiện chất lượng sống của người bệnh. Hiện tại ở Việt Nam chưa có nghiên cứu công bố về giá trị của phương pháp chụp xquang CLVT 320 dãy đầu thu trong chẩn đoán bệnh hẹp ĐMV. Kết quả ban đầu của chúng tôi qua phân tích đoạn với độ hẹp trên 50% vừa được công bố trên Chuyên đề tim mạch học thuộc Hội Tim mạch học thành phố Hồ Chí Minh tháng 9 năm 2018. Trong số báo này, chúng tôi bổ sung kết quả phân tích một cách toàn diện hơn về mặt hình ảnh học và các giá trị chẩn đoán hẹp ĐMV của phương pháp chụp xquang CLVT 320 dãy đầu thu.
Mục tiêu: Mô tả đặc điểm hình ảnh của hẹp ĐMV trên chụp cắt lớp vi tính và xác định giá trị chẩn đoán hẹp ĐMV của chụp Xquang cắt lớp vi tính 320 dãy đầu thu.
Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu hồi cứu, thu thập số liệu chụp Xquang CLVT 320 dãy đầu thu ở TTYK Hòa Hảo TP. HCM và đối chứng với kết quả chụp động mạch vành xâm lấn (ĐMVXL) tại Viện Tim TP. HCM, từ 02/2016 đến 10/2017.
Kết quả: Có 123 bệnh nhân thỏa tiêu chuẩn nghiên cứu với tuổi trung bình 61,7 ± 9,5, 59,4% nam giới. Đặc điểm hình ảnh tổn thương: 30,1% hẹp đồng tâm, 56,1% hẹp lệch tâm và 13,8% hẹp đa hình thái. Mảng xơ vữa dạng vôi hóa chiếm 6,5%, xơ vữa hỗn hợp chiếm 61,8% và xơ vữa không vôi hóa chiếm 31,7%. So sánh với kết quả chụp ĐMV xâm lấn, phân tích từ 2214 đoạn ĐMV, ngoài giá trị chẩn đoán có hẹp ĐMV ≥ 50% đã được công bố, chúng tôi ghi nhận chụp CLVT 320 dãy đầu thu có độ nhạy 88,5%, độ đặc hiệu 96,8%, giá trị tiên đoán dương 76,8%, giá trị tiên đoán âm 98,6%, độ chính xác 95,9% và hệ số tương quan Kappa=0,8 trong chẩn đoán có hẹp ≥ 70% ĐMV. Phân tích theo vị trí đoạn gần, khảo sát tổng số 369 đoạn gần ghi nhận độ nhạy 92,1%, độ đặc hiệu 92,5%, giá trị tiên đoán dương 92,4%, giá trị tiên đoán âm 98,5%, độ chính xác 92% và hệ số kappa 0,84. Phân tích trên tổng số 738 đoạn không gần ghi nhận độ nhạy 96,7%, độ đặc hiệu 90%, giá trị tiên đoán dương 80%, giá trị tiên đoán âm 98,5%, độ chính xác 92% và hệ số kappa 0,82. Chúng tôi cũng ghi nhận kết quả khi phân tích trên từng nhánh chính ĐMV như nhánh thân chung, liên thất trước, nhánh mũ và ĐMV phải. Và cuối cùng, khi phân tích trên tổng 492 nhánh ĐMV, chụp CLVT 320 dãy đầu thu có độ nhạy 96,4%, độ đặc hiệu 98,3%, giá trị tiên đoán dương 98,4%, giá trị tiên đoán âm 96,3%, độ chính xác 97,3% và hệ số Kappa=0,95.
Kết luận: Chụp Xquang CLVT 320 dãy đầu thu giúp phát hiện bệnh động mạch vành với độ nhạy, độ đặc hiệu và độ chính xác cao trên 92%. Hệ số Kappa tăng dần từ 0,78 – 0,95 cho thấy sự tương quan mạnh giữa phương pháp chụp Xquang CLVT 320 dãy đầu thu và chụp ĐMV xâm lấn.
Từ khóa: Hẹp động mạch vành, chụp cắt lớp vi tính động mạch vành.
Tài liệu tham khảo
1. Aboderin. I, Kalache A, Ben-Shlomo Y, et al. (2001). “Life course perspectives on Coronary Heart Disease, Stroke and Diabetes; Key Issues and Implications for policy and reseach. Summary report of a meeting of experts 2-4”. Geneva, World Health Organization: 7-75.
2. De Graaf F R, Schuijf J D, van Velzen J E, et al. (2010). “Diagnostic accuracy of 320-row multidetector computed tomography coronary angiography in the non-invasive evaluation of significant coronary artery disease”. Eur Heart J, 31 (15): 1908-15.
3. Dweck M R, Puntman V, Vesey A T, et al. (2016). “MR Imaging of Coronary Arteries and Plaques”.
JACC Cardiovasc Imaging, 9 (3): 306-16.
4. Ehara M, Surmely J F, Kawai M, et al. (2006). “Diagnostic accuracy of 64-slice computed tomography for detecting angiographically significant coronary artery stenosis in an unselected consecutive patient population: comparison with conventional invasive angiography”. Circ J, 70 (5): 564-71.
5. Han S C, Fang C C, Chen Y, et al. (2008). “Coronary computed tomography angiography a promising imaging modality in diagnosing coronary artery disease”. J Chin Med Assoc, 71 (5): 241-6.
6. Hoàng Thị Vân Hoa, Phạm Minh Thông (2017). “Đánh giá điểm vôi hóa và xơ vửa động mạch vành trên chụp cắt lớp vi tính 64 dãy”. Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội: tr. 1-10.
7. Hoàng Văn Sỹ (2014). “Ứng dụng của siêu âm nội mạch trong chẩn đoán và điều trị can thiệp bệnh động mạch vành”. Luận án Tiến sĩ Y học: Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.
8. Mollet Nico R., Cademartiri Filippo, Carlos A.G, et al. (2005). “High - resolution spiral computed tomography conorary angiography in patients referred for diagnostic conventional conorary angiography”. Circulation, 112: 2318-2323.
9. Nguyễn Thượng Nghĩa (2010). “Giá trị của một số phương pháp chẩn đoán bệnh mạch vành so với chụp động mạch vành cản quang”. Luận án Tiến sĩ Y học: Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.
10. Phùng Bảo Ngọc (2013). “Nghiên cứu giá trị của cắt lớp vi tính hai nguồn năng lượng không sử dụng thuốc kiểm soát nhịp tim trong đánh giá bệnh lý hẹp động mạch vành”. Luận văn Bác sĩ nội trú bệnh viện: Đại học Y Hà Nội.
11. Phùng Trọng Kiên (2008). “Nghiên cứu giá trị của chụp cắt lớp điện toán xoắn ốc đa dãy đầu dò (MSCT 64) trong chẩn đoán bệnh động mạch vành”. Luận án Chuyên khoa cấp II chuyên ngành Nội khoa: Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.
12. Vũ Kim Chi (2013). “Nghiên cứu giá trị của chụp cắt lớp vi tính 64 dãy trong việc đánh giá các tổn thương của động mạch vành”. Luận án Tiến sĩ Y học: Đại học Y Hà Nội.
13. Youssef M A, Dawoud M A, Elbarbary A A, et al. (2014). “Role of 320-slice multislice computed tomography coronary angiography in the assessment of coronary artery stenosis”. The Egyptian Journal of Radiology and Nuclear Medicine, 45 (2): 317-324.